Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Nhỏ nhất & Lớn nhất

Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Lời Chúa: 
 Mt 18,1-5
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?" 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
4 "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.
5 "Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy."
"Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời." 
(Mt 18,4)
Trong cộng đoàn, sự ganh ghét nhau về địa vị, danh dự đã làm cho biết bao người khổ sở. Kẻ bị ganh ghét khổ, mà chính người ganh ghét cũng khổ. Sao chúng ta không sống đơn sơ như những đứa trẻ trong gia đình: cha mẹ đặt đâu là chúng ở đó, cha mẹ bảo gì là chúng làm nấy, không hề nghĩ ngợi so đo, chỉ nhắm đến điều duy nhất là làm cho cha mẹ hài lòng.
Có những bài học của trẻ thơ tuy đơn sơ mà cao vời vợi, để người lớn học cả đời chưa tròn nghĩa một câu. Xin dạy con nên như trẻ nhỏ, để con bước trên đời không chỉ bằng đôi chân của con, nhưng biết buông mình trong tay Cha từ ái.
Lạy Chúa, lời nguyện của con hôm nay là nguyện xin cho con luôn sống khiêm nhường để xây dựng Thiên Đàng quanh con.
Lời của Ngài mà con vẫn suy gẫm đêm đêm.

(Trích nguồn TGP Saigon)

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Thứ Ba Tuần XXVI

Thứ Ba Tuần XXVI Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 9,51-56
51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng : "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" 55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
"Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem." 
(Lc 9,51)
 Không nên phản ứng theo cảm xúc tự phát, nhất là cảm xúc nóng giận. Phải phản ứng theo định hướng căn bản của sứ mệnh của mình: không nhằm giết chết mà nhằm cứu chữa.
Theo suy nghĩ của loài người, nhường là thiệt thòi, nhịn là nhục. Nhưng theo suy nghĩ của Chúa, nhịn nhục là biểu lộ một nhân cách rất vững vàng và một tấm lòng rất khoan dung.
Nhưng Chúa ơi! ở bàn tiệc cuộc đời chúng con lại ít nhường nhịn nhau. Chúng con tranh giành nhau từng hạt gạo, từng miếng đất. Chúng con muốn loại trừ nhau theo kiểu dân gian vẫn nói "cá lớn nuốt cá bé", để "thưa ao béo cá". Ðôi khi chúng con còn lạm dụng quyền hành để loại trừ lẫn nhau. Xin tha thứ cho thái độ bất khoan dung của chúng con. Xin giúp chúng con loại bỏ tính nóng nảy muốn loại trừ anh em, thay vào đó là tính nhẫn nại và bao dung. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa khi biết dùng tình yêu để xóa bỏ hận thù, để chữa lành vết thương tan vỡ tình người. Xin cho sự hiện diện của chúng con giữa anh em luôn mang lại tình hiệp nhất, tình liên đới yêu thương, như chính Chúa đã nói: "Con Người đến không phải để giết chết mà là cứu sống".
Lời của Ngài mà con vẫn suy gẫm đêm đêm

                       (Trích nguồn TGP Saigon)

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Thứ Hai Tuần XXVI Mùa Thường Niên

Thuận và nghịch

Thứ Hai Tuần XXVI Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 9,46-50
46 Khi ấy, các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. 47 Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, 48 và bảo các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".
49 Gioan lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con". 50 Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con".
"Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con." (Lc 9,48.50)
Chúng con cảm tạ Chúa đã trở nên tấm bánh nhỏ bé để đến với chúng con. Chúa đến với chúng con trong âm thầm nhỏ bé. Chúa không muốn quấy rầy đời sống chúng con bằng sự hiện diện phi thường, cả thể của Chúa. Chúa đã chấp nhận là tấm bánh nghiền nát để chuyển tải sự sống của Chúa vào từng thớ thịt, từng mạch máu của chúng con. Xin giúp chúng con biết tiếp nhận sự sống của Chúa và thông chia sự sống ấy cho tha nhân trong đời sống dâng hiến và phục vụ.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ở đời người ta thường đua tìm danh vọng. Ở đời ai cũng tìm vinh quang cho mình. Thích đề cao cái tôi. Thích làm những chuyện phi thường. Có mấy ai dám đi tìm sự nhỏ bé đơn hèn? Có mấy ai dám chịu xóa mình đi để hòa vào cuộc đời anh em? Có mấy ai cho đi mà không mong đền đáp hay ít là tìm kiếm vinh quang cho bản thân? Xin tha thứ cho bản tính tự cao tự đại của chúng con. Xin tha thứ cho thói giả hình, vụ hình thức của chúng con. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa, sống đơn sơ, âm thầm để gần gũi anh em. Xin giúp chúng con biết trung tín trong những việc nhỏ bé tầm thường nhưng với một tình yêu lớn lao.
Lạy Chúa, Chúa đã sinh ra trong thân phận nghèo hèn. Chúa đã trở nên tấm bánh đơn hèn. Xin giúp chúng con luôn sống giản dị, nhỏ bé, đơn sơ để được trở nên giống Chúa hơn. Amen.
Lời của Ngài mà con vẫn suy gẫm đêm đêm
(Trích Nguồn TGP Saigon)

Chúa Nhật 26 TN



PHÚC ÂM:  Mt 21, 28-32
"Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: 'Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!' Nó thưa lại rằng: 'Con không đi'. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: 'Thưa cha, vâng, con đi'. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài". Đó là lời Chúa.
Con người có thể trả lời không với Thiên Chúa. May thay con người còn có khả năng thay đổi ý kiến. Nhờ đó, con người luôn luôn có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Nhưng đó cũng là một khả năng thật đáng ngại. Bởi vì người ta có thể thưa: “Vâng, con sẽ đi làm vườn nho cho Cha” nhưng rồi lại không đi. Không phải chỉ một lần đồng ý với Chúa trong bí tích Rửa tội là đã nắm chắc chìa khoá vào Nước Trời. Phải có thái độ sẵn sàng hoán cải – thưa “có” thay vì nói “không” với Chúa. Điểm thứ hai còn quan trọng hơn: Nói “có” mà thôi chưa đủ, còn phải lên đường thi hành ý muốn của Cha với thái độ tự do vâng phục của người con thảo. Vì không phải những ai nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời, mà chỉ những người thi hành ý Chúa mới được vào thôi.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đưa dụ ngôn về hai người con được cha mình mời đi làm việc cho cha mình, cả hai người con này đều bất toàn. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con đừng vấp phạm như một trong hai người con này, nhưng xin Chúa cho chúng con khi nói thì phải đi đôi với việc làm.
Lời của Ngài mà con vẫn suy gẫm đêm đêm

                           (Trích nguồn TGP Hue)

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

THỨ BẢY TUẦN 25 TN THÁNH VINHSƠN PHAOLÔ - LINH MỤC

Con đường phải đi

Thứ Bảy Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lời Chúa: Lc 9, 44b-46 (bản Hy Lạp: 43b-45)
44 Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các mộn đệ rằng: 45 "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". 46 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.
"Các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời."
(Lc 9,45)
Tuyên Úy Của Tù Nhân
Hôm nay là ngày kính nhớ thánh Vinh Sơn đệ Phaolô. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 17, linh mục Vinh Sơn được cử đi làm tuyên úy cho các tù khổ sai bị trói vào những cột chèo lớn trên các thuyền buồm của đế quốc Pháp. Với bản chất nóng nảy, hiếu thắng, cục mịch... cộng với những phản ứng thô lỗ mà có lẽ vị linh mục tuyên úy đã bị tiêm nhiễm trong suốt thời kỳ ở với tù nhân, cha Vinh Sơn đã được một nữ bá tước ra mời làm trưởng nhóm của một số linh mục đang phục vụ như những thừa sai giữa giới nghèo trong khắp nước Pháp... Cha Vinh Sơn đã chấp thuận lời đề nghị.
Một khúc quanh lịch sử không những bắt đầu với cha mà còn cho cả Giáo Hội nữa: các linh mục dòng thánh Vinh Sơn đệ Phaolô mà chúng ta thường gọi là các cha Lazaristes đã ra đời từ đó. Ngoài ba nhân đức thông thường ma các tu sĩ phải khấn giữ, họ còn cam kết phục vụ hoàn toàn cho giới nghèo.
Thời gian sau, với sự cộng tác của chị Louise de Marillac, cha Vinh Sơn đã thiết lập dòng Nữ Tử Bác Ái cũng đeo đuổi cùng một mục đích: đó là phục vụ người nghèo... Cha Vinh Sơn đã định nghĩa dòng nữ này như sau: nhà dòng của họ là nhà thương, nhà nguyện của họ là nhà thờ giáo xứ, khu nội cấm của họ là các ngả đường phố xá.
Chúc thư và cũng là tinh thần của thánh Vinh Sơn đệ Phaolô được chứa đựng trong các lá thư của ngài. Chúng ta hãy đọc qua một đoạn sau đây: "Hãy cố gắng bằng lòng ngay giữa những điều làm cho chúng ta bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí con khỏi những điều đang làm con giao động. Chúa sẽ lo liệu cho mọi sự... Cha van xin con, hãy tín thác nơi Chúa. Con sẽ có mọi sự tâm hồn con khao khát".
Chúa Giêsu đã bắt đầu bằng con số không: Ngài nghèo đến nỗi không có nơi gối đầu. Thế nhưng ngày nay, khi nhìn vào Giáo Hội, người ta nghĩ ngay đến quốc gia Vatican, với một bảo tàng viện phong phú nhất, với những vương cung thánh đường lộng lẫy, với những cuộc biểu dương rầm rộ. Người ta cũng có thể nhìn vào các tòa giám mục đồ sộ.
Các vị sáng lập dòng cũng thường bắt đầu với con số không. Nhưng ngày nay, có ai chối cãi được rằng những cơ sở lớn mà người ta thường thấy trong các đô thị lại thuộc về các hội dòng.
Giáo Hội và cách riêng các hội dòng có phục vụ người nghèo và có thuộc về người nghèo không?... Có lẽ, nhiều hội dòng mà mục đích nguyên thủy là phục vụ người nghèo và sống nghèo, cần phải đấm ngực tự thú rằng mình đã quá đi xa tinh thần của Ðấng sáng lập... Sống nghèo trước hết đó là sống tín thác vào Chúa quan phòng. Có thể nói đó là nhân đức trỗi vượt và cũng là mẫu số chung của các vị thánh: phó thác hoàn toàn vào Tình Yêu của Chúa.
Chúa kêu mời chúng ta chớ có lo lắng thái quá về ngày mai. Càng lo lắng, con người càng nuôi dưỡng sự tham lam và càng thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Lòng tin của chúng ta được đo lường bằng chính sự phó thác vào Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã dùng Đường Thập giá để dẫn đến Phục Sinh. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con trung thành vác thập giá của mình đi theo Chúa cho đến trọn đời.
Lời của Ngài mà con vẫn suy gẫm đêm đêm
                                                               (Trích nguồn TGP Huế)

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Thứ Sáu Tuần XXV

Thầy là ai?

Thứ Sáu Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 9,18-22
18 Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" 19 Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại". 20 Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa". 21 Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai 22 mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" 
(Lc 9,20)
Tôi hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng tôi hãnh diện về phương diện nào? Vì Chúa Giêsu là Chúa, cao cả hơn Đức Phật và các vị sáng lập những tôn giáo khác? Vì Giáo Hội của Chúa có đông tín đồ, có tổ chức quy mô? Có khi nào tôi hãnh diện vì Chúa của tôi là một vị Thiên Chúa chết trên Thánh giá không? Tôi có nghĩ như thánh Phaolô rằng “Vinh dự của chúng ta là Thánh giá Đức Kitô” không?
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, nhân loại mọi thời đều có nhiều cái nhìn khác nhau về Chúa. Tuy nhiên, những cái nhìn khác nhau đó đều tuỳ thuộc vào đời sống Kitô hữu của chúng con. Chính chúng con sẽ là tấm gương để người khác nhận ra Chúa nơi chúng con. Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con sống cho tha nhân. Xin loại trừ trong chúng con những hành vi ngược lại đức bác ái yêu thương. Xin giúp chúng con biết rèn luyện mình mỗi ngày nên tốt hơn hầu xứng đáng là hình ảnh của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con luôn tin rằng dù sự chết hay bất cứ quyền lực nào, không có gì có thể tách chúng con ra khỏi tình yêu Chúa, trong Ðức Kitô. Xin cho chúng con luôn trung tín theo Chúa cho đến cùng. Amen.

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Thứ Năm Tuần XXV Mùa Thường Niên

Thứ Năm Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 9,7-9
7 Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, 8 vì có kẻ nói rằng: "Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại"; còn kẻ khác lại nói: "Ông Êlia đã hiện ra"; kẻ khác nữa nói rằng: "Một tiên tri thời xưa đã sống lại". 9 Nhưng Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?" và vua tìm cách gặp Người.
"Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?" (Lc 9,9)
Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.
Lạy Chúa
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.


Lời của Ngài mà con vẫn suy gẫm đêm đêm
                                                                                           (Trích  đọc nguồn  5 phút suy niệm)

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Thứ Tư Tuần XXV

Chúa quan phòng

Thứ Tư Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 9,1-6
1 Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. 2 Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. 3 Người bảo các ông rằng: "Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. 4 Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. 5 Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ". 6 Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.
"Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân." 
(Lc 9,2)
Khuôn mặt của người được sai cách đây hai ngàn năm thật là đẹp.
Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật,
vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của người khác.
Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận:
cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất.
Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của con người,
với những lo âu rất đời thường trong một gia đình,
vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất.
Nhóm Mười Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của ác thần
đang tác oai tác quái trong đời nhiều người.
Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì?
Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21?
Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người hôm nay?
Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa, để chúng con có thể đẩy lùi sự dữ và những điều xấu xa ra khỏi môi trường chúng con đang sống. Xin gìn giữ chúng con khỏi những mưu chước hiểm độc của ma quỷ đang tìm cách làm ô uế linh hồn của chúng con. Xin đừng để chúng con rơi vào cạm bãy của ma quỷ, khiến chúng con đánh mất vẻ đẹp của phẩm giá con người là luôn hướng về sự thiện, và luôn sống theo lẽ phải.
Lời của Ngài mà con vẫn suy gẫm đêm đêm
       (Trích nguồn TGP-Saigon)

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Thứ Ba Tuần XXV

Nghe và thực hành

Thứ Ba Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 8,19-21
19 Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. 20 Người ta báo tin cho Người rằng: "Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy". 21 Người trả lời với họ rằng: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".
"Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."
 (Lc 8,21)
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ !
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.


Lời của NGÀI MÀ CON VẪN SUY GẪM ĐÊM ĐÊM
                (Sưu tầm bài suy niệm  Lm Anton Cao Siêu)

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Thứ Hai Tuần XXV Mùa Thường Niên

Sống gương mẫu

Thứ Hai Tuần XXV Mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 8,16-18
16 "Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."
"Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết." 
(Lc 8,17)
Lời Chúa là chiếc đèn soi sáng cho tôi và cho mọi người. Mỗi ngày ngọn đèn Lời Chúa được thắp sáng trong Thánh lễ và lúc nguyện gẫm. Để đèn trên giá cao là tôi sống Lời Chúa và nói Lời Chúa cho nhiều người khác được nghe. Lấy hũ che đèn lại hoặc đặt đèn dưới gầm giường là nghe Lời Chúa xong rồi quên đi, suốt ngày không nghĩ tới và không nói tới nữa.
Xin cảm tạ Cha vì Ngài đã cho con biết rằng: không phải khi nào con làm được điều gì lớn lao mới là lúc con làm vinh danh Chúa, nhưng từ những hành vi dù rất nhỏ bé của con: kể một câu chuyện, tập hát cho trẻ em, nghe và chia sẻ cùng thanh niên, đi làm chung với những người già… thì hình ảnh của Cha cũng sẽ ngày càng lớn lên trong mọi người. 
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn là ánh sáng đem lại tin yêu cho đời, và thắp sáng tình yêu cho nhân thế hôm nay. Amen.

Lời của Ngài mà con vẫn suy gẫm đêm đêm
(Trích suy niệm Lời Chúa TGP Saigon)